Tính từ đầu năm đến ngày 11/12, cả nước có tổng cộng 27 dự án đầu tư khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích gần 8,886ha. Riêng tháng 11 có tới 8 khu công nghiệp được chấp thuận với diện tích 2,811ha.
1. Năm 2024, bùng nổ số lượng khu công nghiệp được cấp phép đầu tư
Trong số 27 khu công nghiệp (KCN) được cấp phép đầu tư, miền Bắc nhiều nhất với 15 dự án tổng hơn 3,292ha; miền Nam 7 dự án, tổng diện tích 3,518ha; miền Trung 5 dự án, gần 2,076ha.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong nhiều năm qua nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất và do Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chính sách đầu tư thuận lợi, chi phí lao động thấp và nền kinh tế ổn định.
Xem thêm: Thông tin Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 – Bình Thuận năm 2025
Ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế – tài chính – BĐS Dat Xanh Services (DXS-FERI), cho biết, vốn FDI liên tục tăng mạnh trong bối cảnh tăng trưởng nguồn cung đất công nghiệp tốc độ tăng trưởng chậm, đặc biệt nhu cầu cao tại các địa phương trọng điểm thu hút vốn FDI lĩnh vực sản xuất và chế biến.
Trong 11 tháng năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt 31.4 tỷ USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5.63 tỷ USD, chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư đăng ký, và tăng 89% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ lấp đầy bình quân tại các KCN miền Bắc và miền Nam đều duy trì ổn định với miền Bắc đạt 83%, còn tỷ lệ lấp đầy tại miền Nam đạt 92%.
Theo số liệu của Cushman & Wakefield tính tới quý 3/2024, nguồn cung hiện hữu đất khu công nghiệp khoảng hơn 41,000ha, giá chào thuê sơ cấp trung bình 154 USD/m2/tháng . Nguồn cung hiện hữu nhà xưởng xây sẵn là 10.3 triệu m2 sàn, giá chào thuê trung bình 4.8 USD/m2/tháng. Còn nguồn cung hiện hữu nhà kho xây sẵn là 7.7 triệu m2 sàn, giá chào thuê trung bình 4.6 USD/m2/tháng.
2. Giải ngân FDI đạt mức cao nhất từ trước đến nay
Điều đáng lưu ý là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Vốn đăng ký cấp mới có 3.375 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 19,73 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 13,44 tỷ USD, chiếm 68,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,72 tỷ USD, chiếm 18,8%; các ngành còn lại đạt 2,57 tỷ USD, chiếm 13,1%.
Trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 6,26 tỷ USD, chiếm 31,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 2,89 tỷ USD, chiếm 14,6%; Trung Quốc 2,84 tỷ USD, chiếm 14,4%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 2,17 tỷ USD, chiếm 11,0%.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 1.539 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 13,96 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sự quan tâm từ các quốc gia này không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn hỗ trợ chuyển đổi mô hình phát triển bền vững cho các khu công nghiệp tại Việt Nam.